Tiêm chủng là chìa khóa để xóa sổ covid trong năm 2022

 Lúc này đây, hy vọng đại dịch chấm dứt trong năm mới có vẻ xa vời, khi các nước đặt ra quy định giới hạn mới để ngăn chặn Omicron. Thế giới đang chứng kiến sự trở lại của một cảm giác quen thuộc từng xuất hiện vào đầu đại dịch.

“Chúng ta sắp đối diện thêm một mùa đông khó khăn”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedos Adhanom Ghebreyesus, nói vào tuần trước.

Nhưng các chuyên gia y tế cho rằng thế giới lúc này đã được trang bị tốt hơn một năm trước để khuất phục đại dịch, với kho vaccine an toàn và tương đối hiệu quả đang ngày một tăng dần, cùng các phương thức điều trị mới ra đời.

“Chúng ta có những công cụ có thể khuất phục đại dịch”, Maria Van Kerkhove, chuyên gia hàng đầu của WHO về khủng hoảng Covid-19, trả lời phòng viên trong tháng 12/2021.


Tiêm chủng toàn cầu vẫn là chìa khóa

Một năm đã trôi qua kể từ khi những liều vaccine đầu tiên được tung ra thị trường, khoảng 8,5 tỷ mũi vaccine đã được tiêm trên toàn cầu. Tới tháng 6/2022, thế giới ước tính sẽ kịp tiến độ sản xuất khoảng 24 tỷ liều vaccine, thừa dùng cho mọi người trên Trái Đất.

Nhưng tình trạng bất bình đẳng vaccine vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng. Trong lúc nhiều nước giàu triển khai mũi tăng cường cho người đã tiêm đủ 2 mũi, người thuộc nhóm rủi ro cao và nhân viên y tế tại nhiều nước nghèo vẫn đang chờ mũi đầu tiên.

Khoảng 67% người dân ở nước thu nhập cao đã tiêm ít nhất một liều, theo dữ liệu từ Liên Hợp Quốc. Con số này ở các nước thu nhập thấp là chưa tới 10%.

Sự mất cân bằng ấy có khả năng sẽ bị khoét sâu khi nhiều nước gấp rút triển khai liều tăng cường để đối phó Omicron.

Dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron, biến chủng nCoV đã lan nhanh khắp toàn cầu kể từ khi được ghi nhận ở Nam Phi từ cuối tháng 11, có khả năng kháng vaccine hơn các chủng trước.

Mũi tăng cường dường như có thể kéo lại hiệu quả bảo vệ nhưng WHO khẳng định để chấm dứt đại dịch, ưu tiên lúc này vẫn phải là tiêm mũi đầu cho người rủi ro cao trên thế giới.

Tình trạng Covid-19 lây nhiễm tràn lan ở một số nơi đã làm tăng đáng kể nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, các chuyên gia cảnh báo. Vì thế, kể cả khi các nước giàu tiêm mũi 3, thế giới vẫn chưa an toàn chừng nào mọi người đều được bảo vệ một phần.

“Không nước nào có thể dùng mũi tiêm tăng cường để chấm dứt đại dịch”, ông Tedros nói vào tuần trước. “Các chương trình tiêm tăng cường cho toàn dân mà không phân biệt đối tượng nhiều khả năng sẽ kéo dài đại dịch, thay vì chấm dứt nó”.

Sự xuất hiện của Omicron là bằng chứng cho điều này, Michael Ryan, Giám đốc của WHO về tình trạng khẩn cấp, nói với AFP. “Virus đã tận dụng cơ hội ấy để tiến hóa”.

Gautam Menon, giáo sư vật lý và sinh học thuộc Đại học Ashoka (Ấn Độ), đồng ý rằng các nước giàu có sẽ được lợi khi họ đảm bảo nước nghèo nhận được vaccine.

“Thật là thiển cận khi cho rằng chỉ cần tự tiêm cho bản thân là có thể giải quyết được vấn đề”, ông Menon nói.

Ông Ryan cho biết việc đẩy mạnh tiêm chủng sẽ đưa chúng ta tới thời điểm mà Covid-19 sẽ lắng xuống và hoạt động theo quy luật ít gây đảo lộn hơn. Nhưng ông cũng cảnh bảo nếu thế giới không giải quyết vấn đề bất bình đẳng vaccine, tương lai có thể có những diễn biến nghiêm trọng hơn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến